Kinh nghiệm ở cữ sau sinh mổ mẹ cần phải biết
Kinh nghiệm ở cữ sau sinh mổ là vấn đề mà chắc hẳn mẹ nào cũng quan tâm khi vừa sinh xong phải không nào? Với kinh nghiệm vừa sinh được 1 bé trai và đã trải qua thời kỳ ở cữ 2 năm (Thật ra là 3 tháng nghỉ cữ và 20 tháng nghỉ dịch ạ), mình đã tổng kết được kha khá kinh nghiệm cho bản thân.
Vì thế, mình sẽ truyền ngay kinh nghiệm quý báu của mình cho các mẹ về chuyện ở cữ sau sinh mổ qua bài viết sau đây nhé! Hy vọng nó cũng sẽ là 1 nguồn tham khảo dành cho các mẹ trong quá trình tích lũy kinh nghiệm ở cữ cho mình!
Mục lục
Mâm cơm cữ
Theo quan điểm truyền thống của các bà và các mẹ để lại, bà đẻ mặc nhiên là phải ăn mặn, ăn khô và ăn no cho chặt bụng. Mẹ đẻ mình cũng đã chuẩn bị tư tưởng cho mình từ rất sớm, ngay từ lúc mình còn đang mang thai. Theo bà, đẻ xong là phải ăn thật nhiều móng giò, chân chó, đu đủ, sữa ông thọ… cho lợi sữa. Đặc biệt là phải ăn thật nhiều cơm trắng chỉ vì “muốn tốt cho con”.
Tiếp theo là phải kiêng rất nhiều thứ mà chỉ cần nghĩ đến thôi mình đã chảy nước miếng vì thèm, như: trà sữa, hoa quả, đồ ăn có vị hơi chua, tôm cá, hải sản, kem, nước lạnh…
Tuy nhiên, theo mình và đại đa số các bà mẹ thời đại 4.0 bây giờ thì quan điểm đó không còn phù hợp nữa rồi!
Sinh xong là thời gian các mẹ cần phải ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nhanh hồi phục. Phải ăn những thứ mình thích, những món mà chỉ cần nghĩ đến thôi là đã làm cho tâm trạng mình háo hức rồi. Vì thế mà mâm cơm cữ của mình không khác quá nhiều so với bữa ăn bình thường. Thậm chí mình có thể ăn chung với mâm cơm cùng với gia đình luôn; không cần thiết phải ăn riêng như những bữa cơm cữ mà mọi người vẫn thường thấy trên mạng.
Cụ thể, tiêu chí mà mình lựa chọn cho mâm cơm cữ như sau:
- Mình ưu tiên việc lựa chọn đa dạng thực phẩm, không kén chọn đồ ăn. Lắng nghe nhu cầu cơ thể; luôn đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất.
- Ăn thực phẩm chứa nhiều protein, canxi, chất xơ. Chất béo thì bổ sung từ nguồn động vật lẫn thực vật.
- Ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi để bổ sung vitamin và khoáng chất.
- Chuẩn bị sẵn những đồ ăn cho bữa phụ như bánh trái, ngũ cốc, hoa quả, bún, phở…
- Ăn bất cứ những gì mình thích để có cảm giác ngon miệng.
- Nên tránh các thực phẩm gây mất sữa; các món quá cay, nóng, mặn…
- Không uống các loại đồ uống có cồn, caffe hay trà giảm cân nha các mẹ!
Tóm lại, các mẹ đừng quá căng thẳng trong việc lựa chọn món ăn cho bữa cơm ở cữ. Hãy giữ vững tinh thần và lên thực đơn để ăn uống cho thật ngon miệng nha.
Kiêng tắm rửa, gội đầu, đánh răng?
Ở cữ theo kinh nghiệm dân gian, bà đẻ là phải kiêng tắm rửa, gội đầu, thậm chí cả đánh răng trong vòng 1 tháng. Đáng sợ các mẹ nhỉ?
Các mẹ thử nghĩ xem, sinh xong lúc nào người cũng nóng ran vì nực sữa. Mùi sữa vương quanh người 24/7, mùi em bé nôn trớ, mùi mồ hôi 2 mẹ con quấn vào nhau… Chưa kể ở cữ trong mùa hè thì nóng bức, nhiều nơi kiêng cả gió quạt, gió điều hòa cho bà đẻ. Nếu không tắm gội chỉ cần 1 tuần thôi hẳn mẹ nào cũng cảm thấy ngứa ngáy khó chịu rồi.
Đấy là mình mới chỉ nói về cảm nhận thôi. Còn về khoa học, nếu để cơ thể đầu tóc bẩn là điều kiện lý tưởng để nuôi vi khuẩn. Chưa kể đến việc không vệ sinh sạch sẽ có thể khiến cho vết mổ của mẹ bị nhiễm trùng; hay bầu ngực của mẹ nếu không sạch cũng ảnh hưởng đến nguồn sữa cho con.
Vì thế, ở cữ khoa học là chúng ta vẫn nên giữ gìn cơ thể sạch sẽ bằng cách tắm gội. Nhưng vì mổ xong, cơ thể của mẹ sẽ rất yếu, nên mình có vài lưu ý sau cho các mẹ đây ạ!
Những lưu ý khi tắm gội:
Các mẹ chỉ nên tắm gội bằng nước ấm bất kể đông hay hè. Nếu có nước lá tắm thì càng tốt. Mình thấy trên thị trường có rất nhiều nơi bán lá tắm cho mẹ sau sinh, các mẹ lưu ý tìm địa chỉ tin cậy để mua nhé. Tắm bằng nước lá sẽ giúp cơ thể khoan khoái, nhẹ nhàng, dễ chịu như được thải độc vậy. Không uổng công sức đầu tư tí nào luôn!
Nếu các mẹ không có sẵn lá tắm thì chỉ cần tắm bằng nước ấm dưới vòi sen là được. Các mẹ nên để ý thời gian tắm nhé. Không được ngâm mình dưới nước quá lâu. Thời gian tắm lý tưởng là 5-10 phút.
Nên tắm trong không gian kín, tránh gió lùa. Tắm xong các mẹ nên lau người thật khô. Khi tắm các mẹ có thể massage ngực dưới vòi sen; điều này giúp kích thích các tia sữa rất hữu dụng.
Mẹ nên gội đầu hạn chế hơn. Cách vài ba ngày mới gội 1 lần. Nên sấy khô tóc ngay sau khi gội xong nhé!
Xông hơi
Nhiều mẹ rỉ tai nhau về cách làm sạch cơ thể đã tồn tại rất lâu đời. Cách này được quảng bá là rất nhiều tác dụng, mà tác dụng dễ nhận thấy nhất là tránh được mùi “bà đẻ” – đó là phương pháp xông hơi.
Quả thực, xông hơi có nhiều tác dụng bất ngờ như: đào thải độc tố trong cơ thể, giảm căng thẳng cho mẹ sau sinh, giảm ù tai, nhức đầu… Mẹ nhớ bổ sung đủ nước để bù lại lượng nước đã mất khi xông hơi nhé.
Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là hơi lỉnh kỉnh. Nếu mẹ có người chăm bé hộ hoặc rủng rỉnh thời gian thì nên thực hiện. Có nhiều mẹ không chịu được nóng, hoặc không thích việc xông hơi thì có thể lựa chọn 1 cách “đỡ lỉnh kỉnh” hơn. Đó là việc xông cửa mình.
Ngoài xông hơi toàn thân thì xông cửa mình cũng rất tốt. Mẹ nên xông vùng kín 2-3 lần/ tuần để nhanh hết sản dịch; ngăn ngừa viêm nhiễm và các loại bệnh phụ khoa.
Hơ than
Hơ than cũng có cái lợi là giúp sưởi ấm cho mẹ, da dẻ hồng hào, máu huyết lưu thông,… Nhưng hơ than trong phòng kín thì cực kỳ nguy hiểm vì có thể ngạt khí, nguy hiểm tính mạng. Các trường hợp này mìhh thấy báo đài cảnh báo nhiều rồi mà lâu lâu vẫn xảy ra nhiều trường hợp thương tâm lắm.
Các mẹ thắc mắc có nên nằm than hay không có thể hiểu thế này:
Tác dụng của việc hơ than chỉ được truyền miệng. Chưa có một nghiên cứu nào chứng minh về hiệu quả của nó cả. Những lý do như không nằm than sau này sẽ dễ đau yếu, run tay chân, … là thiếu cơ sở. Cơ thể chúng ta khi về già bị lão hóa hoàn toàn có thể phát sinh những triệu chứng ấy. Chứ không liên quan gì đến việc không hơ than lúc ở cữ cả.
Do đó, mẹ sau sinh không bắt buộc phải nằm than mà nó chỉ là lựa chọn cá nhân. Nghĩa là mẹ cảm thấy cần thiết, có tác dụng thì thực hiện. Còn mẹ không thích, không chịu được nóng, không phù hợp thời tiết thì thôi.
Nhưng nếu quyết định nằm than thì mẹ nên tìm hiểu sao cho thực hiện an toàn nhất. Mẹ tuyệt đối không dùng than tổ ong vì rất độc, có thể gây hôn mê, cực kỳ nguy hiểm. Phòng ốc phải thông thoáng để không khí có thể lưu thông dễ dàng, tránh ngạt khí.
Với em bé thì tuyệt đối không cho nằm than vì tiểm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Hệ hô hấp của con còn yếu có thể bị ngạt khí dẫn đến suy hô hấp. Chưa kể da con còn non nớt, để con nằm gần chỗ than nóng sẽ dễ bị bỏng nữa. Tóm lại là tuyệt đối không cho em bé hơ than các mẹ nhé!
Trang phục sau Sinh
Nói đến trang phục sau sinh là người ta nghĩ ngay đến mấy bộ đồ dài tay kín mít: quần áo dài tay, càng dày càng tốt, chân đi tất, đội mũ len, nút bông tai, khăn khố quấn quanh người… Nói chung là trong hình dung của mình là hở càng ít càng tốt.
Đành rằng là sau sinh mổ sức khỏe của mẹ chưa phục hồi hẳn nên việc giữ ấm cơ thể là điều nên làm. Nhưng không thể giữ ấm bất chấp thời tiết ra sao được đúng không? Chúng ta cũng nên lựa chọn trang phục ở cữ sao cho phù hợp với hoàn cảnh, thời tiết.
Ở miền trung, miền nam, hoặc miền bắc vào mùa hè nóng như đổ lửa. Thì trang phục như vậy thực sự là không cần thiết các mẹ ạ.
Tóm lại là, theo mình, thời trang ở cữ khoa học nhất là mẹ mặc sao cho đông ấm, hè mát và bản thân thoải mái là được.
Kết luận về kinh nghiệm ở cữ sau sinh mổ
Như vậy là các mẹ đã có thêm kinh nghiệm ở cữ sau sinh mổ rồi phải không nào? Nói chung là cái gì mình thấy cái gì đúng và hợp lý thì làm. Nếu chẳng may có bất đồng ý kiến với những người thân trong nhà về việc ở cữ sau sinh mổ, các mẹ cũng đừng quá căng thẳng nhé. Hãy nắm vững kiến thức và truyền tải đến mọi người. Dần dần cũng tìm được sự đồng cảm mà thôi. Điều mấu chốt là đừng quá gay gắt. Nóng vội chỉ làm cho bản thân mất kiên nhẫn và khiến tình hình tồi tệ thêm.
Hãy luôn nhớ phải giữ cho tinh thần mẹ phải vui vẻ, lạc quan. Mẹ hãy chọn cách ở cữ mà mẹ thấy tiện và thoải mái nhất cho mình nhé.
Hy vọng bài viết của chúng tôi hữu ích đối với bạn. Hãy ghé thăm Fanpage Vô Vàn Kiến Thức của chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích!